Hotline: 077.8888.677   2 Sp  

Tin tức

Giá trị thật của Trầm hương

Ngày: 01/11/2021
Giá trị thật của Trầm hương

Theo các sử liệu cổ của Việt Nam cũng đã nhắc tới là từ xa xưa Việt Nam còn thuộc địa của phương Bắc, thì hằng năm phải cống hiến rất nhiều bảo vật trong đó phải có trầm và Kỳ Nam, để cho vua chúa thưởng thức mùi hương đặt trưng và dùng làm dược liệu điều trị các bệnh hiểm nghèo. Lê Quý Đôn (1726 – 1784) trong Phủ biên tạp lục (viết năm 1776) đã có những dòng viết và đánh giá về các nguồn Trầm Hương. Ngay ở những dòng đầu, ông đã khẳng định Trầm Hương của vùng đất Khánh Hoà xưa. Lê Quý Đôn còn cho chúng ta biết cách phân biệt những giá trị của trầm hương và kỳ nam: “Trầm hương thì cứng, nặng, ít thơm, sắc nhạt, vị đắng; kỳ nam thì mềm, nhẹ, có hơi dầu, thơm mát, vị gồm đủ cay, chua, ngọt, đắng; đốt trầm hương thì khói hết xoáy rồi sau mới tan, đốt kỳ nam thì hơi khói lên thẳng mà dài…”

Thậm chí, vị giáo sĩ Đắc Lộ (Alexander de Rhodes) còn nhấn mạnh rằng “chỉ Việt Nam mới có kỳ nam”. Vào năm 2003, tại cuộc hội thảo quốc tế về trầm hương ở Việt Nam, các nhà khoa học đã đưa ra lời khẳng định: “Trầm hương của Việt Nam là tốt nhất, được mua với giá cao nhất, sản lượng trầm trên thế giới bị phụ thuộc vào Việt Nam và Việt Nam được xem không chỉ là vương quốc của trầm hương trong quá khứ mà còn là nguồn trông cậy của thế giới hiện nay và trong tương lai, bởi trầm là loại dược liệu và cả hương liệu thặng hạng không có gì thay thế”.
Người Việt từ xưa đã hiểu rất rõ những giá trị về dược của trầm hương (tức trầm và kỳ): trầm dùng để giáng khí, kỳ dùng trị các chứng phong đàm.Trầm và kỳ còn đuổi được khí tà độc, khí ô uế. Trầm thì đốt lên còn kỳ thì chỉ cần đeo vào mình là đủ. Ngoài làm dược liệu, trầm hương còn được dùng vào nhiều việc khác nữa như lấy những khối trầm chạm tỉa thành hình tháp, hình non bộ, tượng Phật, …; dùng làm gối và dùng để đốt lên vào những dịp cúng tế. Vì những giá trị dược liệu quý hiếm, nên kỳ nam thường rất đắt. 

Khoa học đã khẳng định, như trong dân gian nhận thức, trầm hương và kỳ nam là phần gỗ chứa nhiều nhựa thơm sinh ra từ thân cây dó mọc nhiều trong những cánh rừng già của Việt Nam. Đến những năm 90 thế kỷ 20 thì cây Dó tạo trầm ở nước ta gần như tuyệt giống do những người đi điệu vào rừng tìm trầm đã tàn phá gần hết cây dó trong rừng, nên đã đưa cây Dó vào sách Đỏ cấm khai thác. Từ những năm 1995, nhiều người đi rừng đã đưa các cây Dó giống từ trong rừng về trồng tại vườn nhà. Từ đó các cây Dó dần dần được nhân rộng ra các trang trại trồng Dó trên cả nước.
 Trầm hương chỉ là phần gỗ của cây dó nhiễm dầu. Một số lòai dó (Aquilaria), thuộc họ trầm (Thymelaeae) trong quá trình sinh trưởng, do những tác động nào đó, tạo sự phản ứng tương tác, lâu ngày trong cây tích tụ một chất dạng dầu, rồi lan dần ra, làm biến đổi các phân tử gỗ, tạo nên nhiều màu sắc (nâu, xám, chàm, đen, …), nhiều tính chất (cứng, mềm, dẻo, dòn …), nhiều mùi vị (thơm, đắng, cay, chua, ngọt, …), nhiều hình dáng (tròn, xoắn, dẹp, dài, … ), ở nhiều vị trí (thân, cành, rễ) trong cây dó. Đó là trầm hương, có tên giao dịch thương mại quốc tế  là Agarwood.

GIÁ TRỊ THẬT CỦA TRẦM HƯƠNG 

Trầm sánh dùng để xông tạo mùi thơm trong các dịp lễ tết.

Nên việc nhân rộng cây Dó tại vườn nhà đến việc tạo được trầm trên cây Dó đã đưa ngành trầm hương ở nước ta dần dần thu nhiều giá trị kinh tế. Đến  năm 2004, Việt Nam đã có các Doanh nghiệp và các cá nhân trồng cây dó tạo trầm với diện tích nhỏ , dần đến nhân rộng hàng trăm ha, ngành trầm ở nước ta dần được phát triển, đã tạo ra công ăn việc làm cho những nông dân làm lâm nghiệp. Với việc trồng trọt cây dó tạo trầm, nghiên cứu cách tạo trầm có hiệu quả từ các cây dó trồng trong vườn, trong trang trại, đến việc sản xuất nhiều sản phẩm từ trầm hương tới việc chưng cất tinh dầu trầm từ nguồn trầm nhân tạo từ cây dó trồng, sau đó từ những nguồn tinh dầu tốt sẽ dùng trong ngành y dược, là 1 trong những nguyên liệu điều chế ra các thuốc trị các bệnh nan y. Ngoài ra nguồn tinh dâu trầm hương còn là chất định hương và dược liệu đóng góp rất nhiều làm tăng giá trị của các lại mỹ phẩm làm đẹp. 
Từ những nghiên cứu phát triển các biện pháp tạo trầm trên cây Dó, nâng cao năng suất, chất lượng trầm nhân tạo trên cây dó vườn nhà, tư vấn chuyển giao công nghệ tạo trầm tốt, hiệu quả kinh tế cao, đến ứng dụng, triển khai sản xuất và kinh doanh các mặt hàng liên quan đến trầm hương và các sản phẩm chế biến từ cây Dó tạo trầm tại Việt Nam. Tổ chức các hoạt động KHKT, chuyển giao công nghệ, hướng dẫn sản xuất kinh doanh các sản phẩm của ngành. Phân tích chất lượng các sản phẩm, nguyên liệu trầm, tinh dầu trầm phục vụ cho nghiên cứu khoa học và quản lý ngành. Tổ chức hợp tác-liên kết với các tổ chức trong và ngoài nước để nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trầm, tinh dầu trầm. Đến việc đào tạo và bồi dưởng kỹ thuật ngành trầm, từng bước nâng cao trình độ nhằm phát triển ngành trầm Việt Nam ngày càng lớn mạnh và hiệu quả hơn.
Giá trị thật tế của trầm hương:

GIÁ TRỊ THẬT CỦA TRẦM HƯƠNG 

Rừng cây Dó bầu trên 20 năm tuổi 

     Trầm hương được sử dụng vào các mục đích tâm linh và giao tiếp như: Làm vật cất giữ có giá trị, làm quà biếu bang giao, làm vật trang trí đặc biệt nơi ở của vua chúa, của các vị chức sắc tôn giáo cấp cao, mang theo bên mình hoặc cất giữ trong nhà để phòng gió độc, tạo sự may mắn. Trầm hương còn dùng trong các đạo giáo như là việc giao thoa giữa người và các thần linh ở các đạo giáo, ngoài ra dùng để ướp xác giúp mùa thơm. 
     Trầm hương là dược liệu quý: Theo Đông y,  trầm hương là vị thuốc quý  hiếm,  vị cay, tính  ôn, có  tác  dụng  dáng khí,  nạp thận, bình can tráng  nguyên dương, chữa các bệnh đau bụng,  đau ngực,  nôn mửa,  hen suyển,  lợi tiểu,  giảm đau,  trấn tĩnh,  hạ sốt,  cấm khẩu,  thổ huyết, khó thở, Theo Lê Trần Đức trong sách: " Thân thế và sự nghiệp y học của Hải Thượng Lãn Ông" (1971) thì từ thế kỷ thứ II trước Công nguyên nhân dân ta đã dùng trầm hương để phòng và chữa bệnh .Vào thế kỷ thứ  XIV, trong Nam dược thần hiệu, Tuệ Tĩnh đã viết về trầm hương: "Vị cay, khí rất thơm, tính ấm, thông quan, trị phong độc, trúng độc, trừ tà, ấm dạ dày, bổ nguyên dương, tiêu hoá ". 
Trong tác phẩm Lĩnh Nam bản thảo (quyển thượng và quyển hạ) thuộc bộ sách Hải thượng y tông tâm lĩnh của  Hải Thượng Lãn Ông  cũng như trong sách " Tủ thuốc nhân dân " (1953 - 1954) của Võ Văn Hưng ; sách " Việt Nam  dược vật thực dụng " (1957) của Đỗ Phong Thuần;  sách " Đông y gia truyền " (1957) của Lê Văn Khuyên; sách " Dược liệu Việt Nam " (1978);  sách " Y học Cổ truyền dân tộc " ( tập II - 1985) của Trường Đại học Y dược Hà Nội ; sách " Hiểu biết cơ bản về phương dược theo Y học cổ truyền " (1983) của Nguyễn Trung Hoà; sách " Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam " (tái bản năm 2004) của GS Đỗ Tất Lợi và nhiều tài liệu khác về dược liệu, đông y, đều cho trầm hương là dược liệu qúy, sử dụng trong hàng trăm bài thuốc y học cổ truyền, chữa bệnh rất hiệu nghiệm.
     Theo Tây y, trầm hương có tính kháng sinh, tạo kháng thể mạnh (diệt khuẩn, làm lành vết thương), có tác dụng chữa một số bệnh về tim mạch (suy tim, đau ngực), bệnh về hô hấp (hen suyễn), bệnh về thần kinh (an thần, mất ngủ, giảm đau, trấn tĩnh …), bệnh về tiêu hoá (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy), bệnh về tiết niệu (bí tiểu tiện). Đặc biệt các giáo sư của Nhật Bản đã tìm ra một Sesquiterpens mới trong trầm hương VN (Kỳ Nam từ Khánh Hòa) và chứng minh trong phòng thí nghiệm hiệu ứng kích cảm của nó trên quá trình sinh trưởng của chất nuôi dưỡng tế bào thần kinh – BDNF (Brain-Derived Neurotrophic Factor). Có thể từ kết quả nghiên cứu này mà đến nay Nhật Bản là quốc gia có lượng Kỳ Nam lưu giữ nhiều nhất thế giới.Một số kết quả nghiên cứu mới đây của các tác giả Mỹ, Đài Loan đã nghiên cứu cho thấy tinh dầu trầm làm hạn chế phát triển các tế bào ung thư, nhiễm độc phóng xạ, nên họ đang tập trung nghiên cứu thuốc để trị ung thư và nhiễm phóng xạ.

GIÁ TRỊ THẬT CỦA TRẦM HƯƠNG 

     Tính chất đặc biệt của tinh dầu trầm hương: Tinh dầu trầm hoặc dầu trầm được chiết suất từ trầm hương hoặc từ gỗ cây dó đã tạo trầm, là chất lỏng sánh, màu vàng hoặc màu hổ phách, cho mùi thơm đặc trưng. Có rất nhiều loại tinh dầu trầm được chiết suất từ các loại trầm hình thành trên các loài dó khác nhau, có giá trị  sử dụng và giá trị khác nhau. Sự khác nhau đó thể hiện bên ngoài dễ nhận biết nhất là: Mùi hương, lưu mùi và giá mua bán.
Một số hợp chất của tinh dầu trầm được sử dụng trong lĩnh vực y dược, hóa mỹ phẩm. Đặc biệt tinh dầu trầm hoặc dầu trầm có tính chất sử dụng vừa phổ biến vừa linh thiêng huyền bí đối với các tín đồ Hồi giáo, nhất là khu vực Trung Đông. Các loại phấn sáp, các loại kem, các loại nước hoa sử dụng các hợp chất huyền dịu của tinh dầu trầm, có khả năng làm biến đổi những đặc tính bên ngoài và bên trong của làn da như: xoá vết nám, vết mụn, vết tàn nhang … làm cho lổ chân lông mở ra hay hẹp lại theo sự thay đổi của khí chất mà không tạo ra những phản ứng phụ cho da. Sử dụng hoá mỹ phẩm có tinh dầu trầm làm cho da dẽ mát dịu, con người thêm tươi tắn, hưng phấn, vì thế chúng được xem như là người bạn vĩnh hằng của sắc đẹp.

Nhu cầu trầm hương trên thị trường thế giới
Trầm hương đã được con người sử dụng hàng ngàn năm qua, vì có nhiều công dụng đặc biệt, chưa có sản phẩm thay thế. Xu hướng tiêu dùng trầm hương vào mục đích làm thuốc chữa bệnh, vào lễ nghi tôn giáo và đời sống tâm linh, để làm sạch môi trường không khí nơi cư trú và nơi làm việc; đặc biệt là các thành tựu mới của khoa học đã tìm ra chất mới trong trầm hương (kỳ nam) nuôi dưỡng tế bào thần kinh, làm cho nhu cầu tiêu dùng trầm hương ngày càng gia tăng. 
Thị trường mua bán trầm hương và các sản phẩm trầm hương chủ yếu là Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan, Hồng Kông, Singapore (70% tái xuất); thị trường tiêu thụ trực tiếp là khu vực Hồi giáo (thị trường Trung Đông), Phật giáo và các ngành y dược, hương liệu mỹ phẩm,…Tuy số liệu thống kê của các quốc gia và các tổ chức thương mại, tổ chức quản lý quốc tế chưa đầy đủ và thống nhất. Nhưng đã cho thấy thị trường thế giới luôn có nhu cầu trầm hương và các sản phầm chế biến từ trầm hương. Theo CITES, khối lượng mua bán trầm hương trên thị trường thế giới thời kỳ 1995 - 2000 khoảng 1.350 tấn. Trong thời kỳ  2000 - 2010 Đài Loan đã nhập khẩu hơn 7.617 tấn và thời kỳ 1991 – 2010 Nhật Bản đã nhập khẩu hơn 281 tấn. 
Trầm hương mua bán trên thị trường hầu hết là khai thác từ thiên nhiên. Các nước có nguồn trầm hương cung cấp cho thế giới tập trung chủ yếu ở khu vực Đông Nam Á và vài quốc gia khác như : Ấn Độ, Bangladesh, Bhutan, Papua  New Guinea. Tuy nhiên, nạn khai thác trầm hương vào những thập niên cuối của thế kỷ XX có tính chất hủy diệt, làm cho nguồn cung cấp trầm hương trên thị trường ngày càng cạn kiệt. Chẳng hạng năm 1993, Indonesia khai thác và xuất khẩu hơn 661 tấn thì năm 1997 chỉ còn 302 tấn; tương tự như Indonesia, Malaysia từ 43,6 tấn còn 21,6 tấn; Campuchia năm 1995 khai thác và xuất khẩu 133,8 tấn thì 3 năm sau chỉ còn 13,2 tấn; Ấn Độ năm 1995 xuất khẩu 15,1 tấn thì năm 1997 chỉ còn 1,4 tấn. 
Ở Việt Nam, theo thống kê của ngành Thương mại từ năm 1986-1990, khai thác và xuất khẩu khoảng 1.163,9 tấn trầm hương từ thiên niên. Nhưng cũng giống như các nước là số lượng ngày càng giảm sút. Chẳng hạn năm 1985 khai thác và xuất khẩu 216,1 tấn thì năm 1990 chỉ còn 73,4 tấn, đến này lượng xuất khẩu từ hàng trầm nhân tạo từ các cây dó trồng trong vườn nhà với số lượng xuất khẩu phần lớn qua đường tiểu ngạch hay những sản phẩm làm từ trầm khoảng 15 tấn/năm.

GIÁ TRỊ THẬT CỦA TRẦM HƯƠNG 

TS. Nguyễn Văn Minh cùng du khách tham quan cơ sở nấu tinh dầu Trầm hương.

Trầm hương được mua bán dưới  nhiều hình thái khác nhau, nhưng các nước có nguồn trầm hương, phần nhiều là xuất khẩu dạng mảnh, miếng chiếm 95%, dạng gỗ chiếm 3%, dạng bột chiếm hơn 1% và tinh dầu dưới 1%. Vừa qua, hiện nay và những năm tiếp theo khối lượng trầm hương mua bán trên thị trường sẽ giảm sút nghiêm trọng do nguồn cung cấp từ thiên nhiên đã cạn kiệt và bị ràng buộc bởi sự kiểm soát của Chính phủ các nước và Công ước Quốc tế cấm mua bán các loại động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), nên cung cách xa cầu, làm cho giá cả ngày càng tăng lên. Chẳng hạn, một kg kỳ nam của nước ta, thập niên 80 giá từ 1.500 - 5.000 USD, nay tăng lên 30.000 - 100.000 USD (tùy theo loại); trầm hương loại 1 từ 800 -1.200 USD, lên 9.000 - 10.000 USD; các loại khác cũng có mức tăng từ 10 đến 15 lần. Tinh dầu trầm hương hiện nay tùy theo chất lượng, loài cây, xuất xứ, công nghệ cấy tạo trầm và công nghệ chiết suất, có mức giá từ 5.000 đến  40.000 USD/lít.

Kinh doanh trầm hương tại Việt Nam hiện nay:
Việc trồng cây Dó tạo trầm ở nước ta phát triển rất nhanh từ vài chục ha trồng tại các vườn ở Quãng Nam, Hà Tỉnh, Bình Phước, Kiên Giang,…Đến những năm 2010 thì cả nước đã trồng gần 20.000ha. Từ việc tạo trầm trên cây dó bằng cách đóng đinh, tạo vết thương đến dùng các chất hóa học để tác dụng lên cây dó để tạo trầm, thì đến nay các người trồng dó đã học hỏi các phương pháp tạo trầm bằng sinh học, vi sinh vật từ các nhà khoa học trong nước và các nước trên thế giới. Từ đó đã tạo ra ngày càng nhiều loại trầm sạch, có chất lượng tốt để chưng cất tinh dầu trầm có chất lượng góp phần rất lớn cho ngành sản xuất y dược và mỹ phẩm, ngày càng làm cho ngành trầm hương trong nước đạt nhiều giá trị cao, mang lại nhiều hiệu quả kinh tế cho đất nước.
Nhưng những năm gần đây, nhiều cá nhân vì lợi ích kinh tế cho mình đã tạo ra nhiều sản phẩm không không hoàn toàn từ trầm rồi nâng cao giá trị không  đúng đã đẩy ngành trầm hương nước ta, ngày càng  mất uy tín tốt tại thị trường trong và ngoài nước.
Vậy đâu là trầm hương thật, đâu là trầm hương giả (giả có nghĩa là nói sai sự thật, chứ thật ra là hàng ép dầu):
Hiện tại trầm hương được chia làm 2 loại chính trên thị trường: Trầm hương thiên nhiên và Trầm hương ép dầu.  Giá trầm hương thiên nhiên: được đánh giá bằng: Xuất xứ, màu sắc, cân nặng, hoa văn tạo dầu và mùi thơm.
Thứ 1: Về xuất xứ
Trầm hương hình thành và phát triển chủ yếu tại các nước trên khu vực Châu Á: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia....Trong đó trầm hương của Việt Nam thuộc loại tốt nhất, và phần lớn trầm hương Việt Nam mới cho ra Kỳ Nam.
Thứ 2: Về màu sắc
Màu sắc của trầm hương chủ yếu gồm các màu: trắng vàng, cát sa mạc, vàng nâu, xanh đen, đỏ đen, nâu socola, nâu đen và màu đen tuyền ( các màu được sắp sếp theo thứ cấp tăng dần về giá cả)
Thứ 3: Về cân nặng
Tiền thân của gỗ trầm hương là cây Dó, gỗ của cây khi chưa có tinh dầu trầm tích tụ thì rất nhẹ và trắng. Khi bị thương hay tác nhân vi sinh làm cây nhiễm bệnh,cây sẽ tiết ra chất kháng sinh để làm lành vết thương, chất kháng sinh đó chính là TRẦM HƯƠNG. lượng tinh dầu trầm hương tích tụ trong sớ gổ càng nhiều thì trọng lượng của khối gỗ càng tăng cao, nên giá trị của Trầm hương quyết định do hàm lượng tinh dầu trầm chứa trong sớ gỗ.
Thứ 4: Về hoa văn do tinh dầu trầm tạo nên
Về hoa văn do tinh dầu trầm tạo nên thì muôn hình muôn vẻ,không có cái nào giống cái nào. Những mẫu gổ hoa văn nhiều, khi gia công ra vòng tay, chuỗi hạt hay đục tượng, điêu khắc thành sản phẩm thì giá thành sẽ cao tùy theo độ đẹp của chúng.
Trầm hương ép dầu: Phụ thuộc chủ yếu là nguồn gốc của loại Tinh Dầu Trầm (Trầm hương ép dầu có thể sử dụng 3 loại tinh dầu: ô dước, dó dây và tinh dầu trầm. Tất cả đều thuộc họ Dó và đều xuất sứ từ thiên nhiên) ép vào sơ gỗ, cũng như chất liệu của hạt gỗ (như dùng chất liệu là gỗ dó bầu và gỗ dó dằn).
Là sản phẩm lấy từ cây Dó Bầu (tiền thân của gỗ Trầm hương) được gia công thành những hạt tròn và ép tinh dầu trầm vào với áp xuất cao. Tinh dầu trầm được ép với áp suất cao sẽ thẩm thấu vào trong từng sớ gổ, nên gổ dó bầu được thấm tinh dầu từ trong ra ngoài hạt.

GIÁ TRỊ THẬT CỦA TRẦM HƯƠNG 

Sản phẩm nhang nụ, được làm từ cây Dó bầu.

Về nguyên liệu sẽ lấy gỗ Dó Bầu đem ép và nấu dưới áp suất lớn với tinh dầu trầm hoặc tinh dầu Dó Dây (những loại tinh dầu này hoàn toàn được rút ra từ gỗ thiên nhiên chứa tinh dầu). Tinh dầu Dó Dây có giá thành rẻ nên vì thế sản phẩm làm ra cũng sẽ rẻ. Nguyên liệu trầm hương giá thành cao nên làm ra sản phẩm trầm hương có giá thành tương đối cao. Mặt khác vì lợi nhuân và vì người mua không biến nhận biết nên họ sẽ lấy những loại gỗ tạp nấu hoặc sơn phếch với hương liệu hoá chất để tạo ra sản phẩm rất rẻ nhưng bán với giá thành cao, đem lại khoản lợi nhuận lớn. 
      - Về màu sắc của hàng ép dầu thì thường phần lớn là mầu sẫm: màu nâu, màu đen.
      - Về mùi hương thì sẽ có mùi thơm tựa như thuốc Bắc, vì khi trầm hương bị nấu ở nhiệt độ cao sẽ bị biến mùi đáng kể.
Sản phẩm này thì có muôn hình vạn trạng và với công nghệ làm giả hiện tại thì khó lòng mà người mua có thể nhận biết được, kể cả người buôn bán đã vào nghề một thời gian.Chỉ khi qua xử dụng 1 thời gian thì người mua mới nhận ra được do sản phẩm mất màu, mất mùi.
Tóm lại để ước lượng và định giá chuẩn xác trầm hương phải kết hợp những yếu tố: xuất xứ, màu sắc, cân nặng, hoa văn, mùi thơm để đưa ra một giá hợp lý, tránh bị mua cao giá 
“Chơi trầm còn là thú chơi đẳng cấp vượt trên mọi đẳng cấp. Trầm ở đây là trầm hương, tinh túy của đất trời - núi rừng mà thường đốt xông hương để xua đuổi tà khí, an thần, giúp mọi việc được tốt đẹp, cũng như kết nối con cháu với hồn tiên tổ”.
Nên việc sử dụng trầm hương cần hiểu được giá trị thật và tùy theo nhu cầu sự dụng thực tế trong các ngành, đòi hỏi người sử dụng đánh giá đúng giá trị thật của trầm hương sẽ mang đến hiệu quả cao nhất khi dùng trong thời gian tới.

                                                                       
Theo TS. NGUYỄN VĂN MINH

Hotline: 077.8888.677
 Hotline: 077.8888.677