Hotline: 077.8888.677   5 Sp  

Tin tức

Trầm hương và những điển tích ly kỳ lưu truyền ngàn đời

Ngày: 26/01/2022
Trầm hương và những điển tích ly kỳ lưu truyền ngàn đời

Giới phu trầm thường có nhiều dị bản về thành ngữ “ngậm ngải tìm trầm”. Ly kỳ có, tâm linh có, hành trình đi tìm “lộc trời” thật sự lắm gian truân, vất vả và đầy thử thách khắc nghiệt. Tất cả đều được tái hiện qua những điển tích hay những quy luật “ngầm” khi tìm Trầm mà người ta vẫn truyền tai nhau…

Mẩu chuyện số 1

Có cặp vợ chồng kia chán cuộc sống thế tục, rủ nhau lên núi ẩn tu. Một ngày nọ có người đến thăm và bày cho cách “tu tiên”, đó là phải đốt trầm hương để khấn, hương trầm sẽ đưa lời nguyện cầu lên chư tiên.

Hỏi tìm trầm hương ở đâu, người quân sư trả lời bí hiểm: “Trong phạm vi nghìn dặm núi non đều có nhưng muốn tìm được trầm phải ngậm ngải”.

Tin lời, người chồng ngậm ngải tìm trầm nhưng càng vào sâu nơi núi rừng thâm u càng thấy mịt mù, lòng muốn trở về ngặt nỗi không thấy đường lui, chỉ thấy đường tới. Qua năm này đến năm khác, khi miếng ngải tan dần, người chồng lông mọc toàn thân, hóa cọp xám.

Mẩu chuyện số 2

Thuở xa xưa có một phu trầm lang thang từ núi này sang núi nọ đi tìm trầm hương. Trước khi lên đường, người này đến gặp một thầy mo trong làng để xin một tấm bùa may mắn.

Sau khi làm phép, thầy mo trao cho người này một viên thuốc, dặn dò: “Chỉ cần ngậm thuốc này thì có đi bao nhiêu ngày cũng không thấy đói khát, có lạc vào rừng sâu núi cao cũng không sợ hùm beo giết hại”.

Ngày qua ngày, người phu trầm băng rừng lội suối nhưng vẫn không tìm thấy gì, trong khi đó lương thực mang theo cũng dần cạn kiệt. Lúc này anh quyết định quay trở về nhưng lại không nhớ đường. Nhớ lời dặn, anh lấy viên thuốc ngậm vào miệng và tiếp tục đi.

Năm tháng dần qua, viên ngải trong miệng dần tan hết, anh không ngờ mình hóa thành con hổ mình đầy lông lá.

Lời lý giải thực tế

“Ngoài thức ăn, nước uống là những thứ nhu yếu phẩm thì cần phải mang theo thuốc men để phòng khi gặp tai nạn. Do sống trong rừng sâu, phải đối mặt với những hiểm nguy nên phu trầm dạy nhau những bài thuốc quý, cũng gọi là “ngải”, như những bài thuốc liên quan đến cây ngải cứu dùng để chữa bệnh đau khớp, bong gân. Ngải không phải là những bùa chú mê tín dị đoan như người ngoài suy đoán”, một người cựu phu trầm có kinh nghiệm chia sẻThực ra “ Ngậm ngải tìm Trầm” chỉ là thành ngữ chỉ sự gian nan của phu trầm, thực tế ngày nay việc dùng ngải cũng khác. Ngải là một loại cây thuộc họ gừng, phu trầm thường mang theo trong người để phòng khi trái gió trở trời.

Quy luật ngầm trong những chuyến săn trầm hương

Ông bà mình từng nói “trật một li đi một nhịp”, phu trầm trong quá trình tìm kiếm trầm hương, nếu khinh suất, lơ là đều phải trả giá bằng mạng sống. Chuyện sống chết thường chỉ trong gang tấc, những hiểm nguy luôn rình rập, nên chỉ có một cách duy nhất để tồn tại được trong chốn rừng thiêng nước độc, chính là sự đoàn kết.

Phu trầm thường tập trung thành từng nhóm khoảng 10 người, mỗi nhóm cử ra một trưởng nhóm điều hành. Người trong nhóm thường có quan hệ họ hàng hoặc cùng một địa phương với nhau để dễ dàng chia sẻ những thăng trầm khi gặp sự cố.

Khi một người may mắn phát hiện được kỳ nam thì phải thông báo với trưởng nhóm. Trưởng nhóm thực hiện các nghi thức, phân công nhiệm vụ cho từng người để đảm bảo việc khai thác được làm nhanh nhất.

Khi ra khỏi rừng, việc mua bán cũng phải tiến hành nhanh chóng bởi nếu chần chừ thì khó tránh khỏi thảm cảnh bị cướp. “Khi ra khỏi rừng mà không tìm người bán là dễ bị cướp giật lắm. Nhưng khi bán cũng phải biết chọn người mà bán vì giới mua kỳ nam cũng nhiều mánh khóe, nếu không cẩn thận là bị lừa. Hơn nữa, trong giới phu trầm, việc phân chia lợi nhuận được thỏa thuận trước. Ví dụ như nhóm có 10 người thì sau khi khai thác được trầm sẽ chia thành 12 phần, người phát hiện sẽ được 3 phần. Chính những thỏa thuận trước này đã làm cho những người trong đoàn yên tâm và đoàn kết hơn.

(Sưu tầm)

Đón xem những câu chuyện ly kỳ, huyền bí khác ở những bài viết sau trên website của Kỳ Nam Hương nhé!

Hotline: 077.8888.677
 Hotline: 077.8888.677